Đối với quá trình ly hôn thì sau khi Thẩm phán ra Quyết định công nhận thuận tình ly hôn hoặc Bản án ly hôn thì các bên nguyên đơn hoặc bị đơn đều phải đóng tiền án phí ly hôn. Án phí ly hôn là mức phí mà nguyên đơn, bị đơn phải nộp cho Ngân sách nhà nước chi trả chi phí cho Tòa án thực hiện hoạt động ly hôn cho các bên. Khi nền kinh tế, giá trị tiền tệ thay đổi thì mức án phí khi ly hôn cũng thay đổi theo. Hy vọng qua bài viết này, đội ngũ chuyên gia, luật sư của QGVN sẽ giúp các bạn nắm rõ mức án phí ly hôn thuận tình, án phí ly hôn đơn phương và án phí ly hôn với người nước ngoài theo quy định mới nhất.
Hiện nay mức án phí ly hôn được quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 Quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí tòa án, theo đó án phí ly hôn đơn phương, án phí ly hôn thuận tình và ly hôn với người nước ngoài được phân chia thành hai loại án phí là án phí ly hôn sơ thẩm và án phí ly hôn phúc thẩm
Thứ nhất, án phí ly hôn sơ thẩm:
Về bản chất, khi ly hôn đơn phương, ly hôn thuận tình hay ly hôn với người nước ngoài thì án phí ly hôn sơ thẩm đều chia làm hai dạng là ly hôn không có giá ngạch và ly hôn có giá ngạch.
Một là, án phí ly hôn không có giá ngạch:
Mức án phí ly hôn sơ thẩm không có giá ngạch mà các bên đương sự phải nộp là 300.000 đồng theo quy định tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Không có giá ngạch ở đây tức là không có tranh chấp về tài sản giữa các bên khi ly hôn.
Hai là, án phí ly hôn có giá ngạch:
Án phí ly hôn có giá ngạch được xác định dựa trên giá trị tổng tài sản các bên tranh chấp, theo các mức như sau:
– Giá trị tranh chấp dưới 6.000.000 đồng: án phí là 300.000 đồng;
– Giá trị tranh chấp từ 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: án phí là 5% tổng giá trị tài sản tranh chấp;
– Giá trị tranh chấp từ 400.000.000 đồng đến 800.000.000 đồng: án phí là 20.000.000 đồng + 4% phần vượt quá 400.000.000 đồng;
– Giá trị tranh chấp từ 800.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng: án phí là 36.000.000 đồng + 3% phần vượt quá 800.000.000 đồng;
– Giá trị tranh chấp từ 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: án phí là 72.000.000 đồng + 2% phần vượt quá 2.000.000.000 đồng;
– Giá trị tranh chấp trên 4.000.000.000 đồng: án phí là 112.000.000 đồng + 0,1% phần vượt quá 4.000.000.000 đồng.
Như vậy ta thấy, đối với án phí ly hôn sơ thẩm theo giá ngạch tổng giá trị tranh chấp tài sản của hai bên đương sự càng nhiều thì mức án phí ly hôn sơ thẩm lại càng cao. Quy định này cũng là một trong các quy phạm khuyến khích tinh thần tự thỏa thuận của các bên trong ly hôn, vì khi các bên thỏa thuận được về phân chia tài snar thì không phải nộp án phí theo giá ngạch.
Thứ hai, án phí ly hôn phúc thẩm:
Cũng tại Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định án phí ly hôn phúc thẩm là 300.000 đồng. Đối với án phí ly hôn phúc thẩm, pháp luật không quy định về việc phân chia theo giá ngạch hay không theo giá ngạch mà áp dụng án phí chung cho tất cả các hình thức ly hôn.
Thứ ba, nghĩa vụ chịu án phí ly hôn:
Một là, nghĩa vụ chịu án phí ly hôn sơ thẩm
Pháp luật quy định trách nhiệm chịu án phí ly hôn sơ thẩm tại khoản 5 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, tương ứng với mỗi trường hợp khác nhau nghĩa vụ chịu án phí thuộc về từng người, cụ thể như sau:
– Nguyên đơn (vợ hoặc chồng) phải chịu án phí ly hôn sơ thẩm trong vụ án ly hôn. Kể cả trường hợp Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Nếu thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí;
– Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí ly hôn sơ thẩm không có giá ngạch 300.000 đồng còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án ly hôn có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
– Trường hợp vợ chồng yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà Tòa án chấp nhận yêu cầu của vợ, chồng, thì người có nghĩa vụ về tài sản phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với giá trị phần tài sản mà họ phải thực hiện.
Nếu các bên không thỏa thuận chia tài sản và yêu cầu người khác thực hiện nghĩa vụ về tài sản mà gộp vào tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết thì mỗi người phải chịu án phí dân sự tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
– Trường hợp Tòa án đã tiến hành hòa giải, tại phiên hòa giải không thỏa thuận được về việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng đến trước khi mở phiên tòa các bên tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ, chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định thì được xem là các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án hòa giải trước khi mở phiên tòa và phải chịu 50% mức án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
– Không phải chịu án phí ly hôn sơ thẩm đối với việc phân chia tài sản chung trong trường hợp đương sự tự thỏa thuận phân chia tài sản chung của vợ chồng và yêu cầu Tòa án ghi nhận trong bản án, quyết định trước khi Tòa án tiến hành hòa giải;
– Trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải về việc phân chia tài sản chung các đương sự thống nhất thỏa thuận được về việc phân chia một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung, còn một số tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung không thỏa thuận được thì các đương sự vẫn phải chịu án phí đối với việc chia toàn bộ tài sản chung và nghĩa vụ về tài sản chung của vợ chồng.
Hai là, nghĩa vụ chịu án phí ly hôn phúc thẩm
Được quy định tại Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 như sau:
– Trường hợp phải chịu 100% án phí ly hôn phúc thẩm:
+ Nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo phải chịu án phí ly hôn phúc thẩm;
+ Nếu đương sự rút kháng cáo tại phiên tòa phúc thẩm.
+ Nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm;
– Trường hợp chịu 50% án phí ly hôn phúc thẩm:
+ Nếu đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên tòa phúc thẩm;
+ Nếu nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên tòa phúc thẩm hoặc tại phiên tòa phúc thẩm và được bị đơn đồng ý;
– Trường hợp không phải chịu án phí ly hôn phúc thẩm:
+ Nếu Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo liên quan đến phần bản án, quyết định phải sửa không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm;
+ Nếu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại;
Các lưu ý về án phí thuận tình ly hôn, đơn phương ly hôn, ly hôn với người nước ngoài:
– Có một số bạn nhầm lẫn rằng ly hôn thuận tình là không có tranh chấp về tài sản nên án phí chỉ là 300.000 đồng. Nhưng xét về bản chất thì ly hôn đơn phương, ly hôn thuận tình hay ly hôn với người nước ngoài khác nhau ở chủ thể, sự tự nguyện ly hôn của các bên. Như vậy dù ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương thì vẫn có thể có sự tranh chấp về tài sản xảy ra và vẫn có thể áp dụng án phí ly hôn theo giá ngạch như bình thường.
– Việc miễn và không phải chịu án phí ly hôn phúc thẩm chỉ áp dụng đối với người thuộc các trường hợp đó, không áp dụng đối với các đương sự còn lại.