Chính phủ ban hành Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế 2019

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế áp dụng đối với việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, trừ nội dung quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, áp dụng hóa đơn, chứng từ, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế và hóa đơn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nghị định này gồm 9 chương với 44 Điều, cụ thể như sau:

  • Chương I (từ Điều 1 đến Điều 6) bao gồm những quy định chung về đối tượng áp dụng; quản lý thuế đối với NNT trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; đăng ký thuế;…
  • Chương II (từ Điều 7 đến Điều 13) bao gồm những quy định về khai thuế, tính thuế: hồ sơ khai thuế; các loại thuế khai theo tháng, quý, năm, lần phát sinh và khai quyết toán thuế; tiêu chí khai thuế theo quý đối với thuế GTGT và thuế TNCN; địa điểm nộp hồ sơ khai thuế; các trường hợp cơ quan quản lý thuế tính thuế, thông báo nộp thuế;…
  • Chương III (từ Điều 14 đến Điều 17) bao gồm những quy định về ấn định thuế: các trường hợp ấn định thuế; căn cứ ấn định thuế; thẩm quyền, thủ tục, quyết định ấn định thuế;…
  • Chương IV (từ Điều 18 đến Điều 21) bao gồm những quy định về thời hạn nộp thuế, trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
  • Chương V (từ Điều 22 đến Điều 25) bao gồm những quy định về hoàn thuế; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
  • Chương VI (từ Điều 26 đến Điều 30) bao gồm những quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin, công khai thông tin người nộp thuế và nhiệm vụ, quyền hạn của ngân hàng thương mại.
  • Chương VII (từ Điều 31 đến Điều 37) bao gồm những quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế.
  • Chương VIII (từ Điều 38 đến Điều 41) quy định một số vấn đề khác như quy định về doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực hải quan; ủy nhiệm thu thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN do cơ quan quản lý thuế quản lý thu; việc áp dụng cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết;…
  • Chương IX (từ Điều 42 đến Điều 44) quy định về hiệu lực thi hành, quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/12/2020.

Đối với các khoản thuế được miễn, giảm, không thu, xóa nợ phát sinh trước ngày 01/7/2020 thì tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2012/QH13, Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 106/2016/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Đối với các khoản tiền thuế nợ đến hết ngày 30/6/2020 thì được xử lý theo quy định của Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và tại Nghị định này, trừ các trường hợp nêu trên.

Các trường hợp được Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Chính phủ.

QGVN