Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2020 đã được thông qua tại Đại hội Đảng thứ XI trong đó quan điểm và định hướng phát triển kinh tế đất nước nêu rõ đẩy mạnh và thu hút đầu tư là một trong các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế đất nước. Huy động các nguồn vốn từ các cá nhân, doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư vào tất cả các lĩnh vực thay vì chỉ đầu tư phát triển bằng nguồn vốn từ Ngân sách nhà nước. Theo đó hiện nay nước ta có rất nhiều các dự án đầu tư đã và đang được triển khai. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện không thể không tránh khỏi các trường hợp dự án đầu tư không thực hiện đúng tiến độ dẫn đến phải gia hạn hoặc không đủ các điều kiện tiếp tục thực hiện dự án và phải chấm dứt hoạt động. Sau đây đội ngũ chuyên gia, luật sư cảu Luật Nam Phát sẽ cung cấp những quy định mới nhất của pháp luật đầu tư về gia hạn dự án đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư để các bạn nắm rõ.
Thứ nhất, về gia hạn dự án đầu tư:
Theo khoản 2 Điều 3 Luật Đầu tư 2014 quy định rõ dự án đầu tư là tập hợp đề xuất bỏ vốn trung hạn hoặc đề xuất bỏ vốn dài hạn để tiến hành các hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn cụ thể và trong một khoảng thời gian nhất định. Thời hạn đầu tư tương ứng đối với các dự án đầu tư khác nhau thì thời hạn cũng khác nhau, cụ thể như sau:
– Thời hạn không quá 70 năm áp dụng cho dự án đầu tư trong khu kinh tế;
– Thời hạn không quá 50 năm cho dự án đầu tư ngoài khu kinh tế, có thể gia hạn thêm nếu ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm nhưng gia hạn thêm quá 20 năm;
Thời hạn trên không bao gồm thời gian Nhà nước chậm bàn giao đất nếu dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
Nếu hết thời hạn được quy định ở trên mà nhà đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng tiến độ, hoàn thành được dự án đầu tư thì có thể tiến hành thủ tục giãn tiến độ đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Một là, hồ sơ gia hạn:
Chủ đầu tư chuẩn bị 03 bộ hồ sơ được quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư 2014 bao gồm các giấy tờ sau:
– Văn bản đề nghị điều chỉnh thời hạn dự án đầu tư trên Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo mẫu quy định;
– Quyết định của nhà đầu tư về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
– Báo cáo tình hình thực hiện dự án đầu tư và Báo cáo tình hình triển khai dự án đầu tư tại thời điểm hiện tại;
– Báo cáo tài chính kiểm toán 02 năm gần với thời điểm thực hiện gia hạn thời hạn đầu tư nhất (bản công chứng);
– Bản sao các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư hoặc Giấy phép kinh doanh đã cấp đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư chuẩn bị riêng dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì chuẩn bị thêm Bản sao Quyết định chủ trương đầu tư;
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký thuế nếu chủ đầu tư chưa tách Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp riêng biệt;
– Bản sao công chứng chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân/hộ chiếu và thẻ tạm trú (nếu là người nước ngoài) của người đại diện theo pháp luật; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức;
– Văn bản ủy quyền nộp hồ sơ (nếu có).
Hai là, thẩm quyền gia hạn dự án đầu tư:
Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Điều 38 Luật Đầu tư 2014 và Điều 28 Nghị định 118/2015/NĐ-CP thì có thẩm quyền gia hạn dự án đầu tư.
Ba là, thủ tục gia hạn dự án đầu tư:
– Chủ đầu tư nộp hồ sơ tại cơ quan có thẩm quyền;
– Cán bộ tiếp nhận kiểm tra hồ sơ và cấp giấy biên nhận cho người nộp hồ sơ;
– Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ cơ quan đăng ký đầu tư điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Nếu từ chối điều chỉnh, cơ quan phải thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.
Như vậy các quy định của pháp luật về gia hạn đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hoạt động đầu tư nhằm đạt hiệu quả kinh tế, tuy nhiên không phải bất cứ dự án đầu tư nào cũng được gia hạn. Và thủ tục gia hạn dự án đầu tư cũng có những yêu cầu nhất định tránh tình trạng gia hạn tràn lan, gây ảnh hưởng cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Thứ hai, Chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư:
Một là, điều kiện chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư:
Dự án đầu tư buộc phải chấm dứt hoạt động nếu thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư 2014 như sau:
– Dự án đầu tư hết thời hạn;
– Theo bản án, quyết định của Tòa án, Trọng tài buộc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư;
– Theo quyết định chấm dứt hoạt động của dự án của nhà đầu tư;
– Hợp đồng, điều lệ doanh nghiệp quy định các trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư và dự án rơi vào các trường hợp này;
– Dự án đầu tư bị ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư hoặc Chính phủ và nhà đầu tư không thể khắc phục;
– Nhà nước thu hồi đất hoặc không cho chủ đầu tư tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư và chủ đầu tư không thực hiện thủ tục điều chỉnh địa điểm đầu tư trong vòng sáu tháng kể từ ngày có quyết định thu hồi đất hoặc quyết định không được tiếp tục sử dụng địa điểm đầu tư;
– Dự án đầu tư đã bị ngừng hoạt động đầu tư và quá 12 tháng kể từ ngày ngừng hoạt động mà cơ quan đăng ký đầu tư không liên lạc được với nhà đầu tư, đại diện hợp pháp của nhà đầu tư;
– Đến hết tiến độ thực hiện dự án đầu tư mà sau đó 12 tháng nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án đồng thời không thuộc các trường hợp được giãn tiến độ thực hiện dự án.
Hai là, thẩm quyền, thủ tục chấm dứt hoạt động dự án đầu tư:
– Nếu là chấm dứt hoạt động do nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt, hết thời hạn hoặc theo hợp đồng, điều lệ của doanh nghiệp thì chủ đầu tư thông báo, gửi quyết định chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư và các tài liệu liên quan khác nếu có cho cơ quan đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định hoặc kể từ ngày chấm dứt hoạt động.
– Các trường hợp còn lại ngoài 03 trường hợp nêu trên thì hoạt động dự án đầu tư do cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt.
Pháp luật đầu tư quy định cụ thể các trường hợp buộc phải chấm dứt hoạt động đầu tư tránh gây thiệt hại cho nền kinh tế, đảm bảo phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng của quốc gia và tránh cho chủ đầu tư kéo dài gia hạn gây ảnh hưởng. Căn cứ theo các quy định của pháp luật chủ đầu tư có phương hướng, kế hoạch thực hiện dự án đầu tư đật hiệu quả cao nhất.