Nghị định gồm có 10 Điều và 6 Bản Phụ lục mẫu đăng ký doanh nghiệp; trong đó Điều 3 qui định 3 nguyên tắc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước:
- Cơ quan đăng ký kinh doanh là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc sử dụng lao động, cấp mã số đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội, đăng ký sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp.
- Việc phối hợp, liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định số 122/2020/NĐ-CP được thực hiện qua phương thức kết nối, chia sẻ dữ liệu số giữa các hệ thống công nghệ thông tin.
- Cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội, cơ quan thuế không yêu cầu doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện cung cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, các thông tin về đăng ký doanh nghiệp đã được chia sẻ từ cơ quan đăng ký kinh doanh trừ tên, mã số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện khi thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan.
Tại Điều 10 về Điều khoản thi hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP nêu rõ: Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh ban hành kèm theo Nghị định này thay thế cho các Phụ lục từ I-1 đến I-5 và Phụ lục II-11 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2019/TT-BKHĐT ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2020.
QGVN