Thủ tục, điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam

Đề nghị tư vấn:
Tôi là nhà đầu tư nước ngoài (quốc tịch Mỹ), muốn đầu tư vào Việt Nam theo hình thức thành lập doanh nghiệp để sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi với số vốn là 1000 tỷ Việt Nam đồng (100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài). Vậy tôi phải đáp ứng những thủ tục, điều kiện nào của pháp luật để có thể được đầu tư vào Việt Nam? Đây là lần đầu tiên tôi đầu tư vào Việt Nam.
Luật sư tư vấn:
1. Điều kiện về thủ tục
Vì bạn là nhà đầu tư nước ngoài dự định đầu tư thành lập một doanh nghiệp tại Việt Nam và đây là lần đầu đầu tư nên hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài là thành lập tổ chức kinh tế mới để sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Để thực hiện thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tạo Việt Nam thì Nhà đầu tư phải xem xét có hay không phải thực hiện một hoặc các thủ tục sau phù hợp với quy định của pháp luật.
a. Thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư
+ Theo quy định tại Điều 30, 31, 32 Luật đầu tư 2014 đối với các dự án đầu tư mà phải xin quyết định chủ trương đầu tư của Quốc Hội, Thủ tướng Chính Phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh thì các chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền này với trình tự thủ tục quy định tại Điều 33, 34, 35 Luật đầu tư 2014.
+ Nếu các dự án không thuộc các trường hợp tại Điều 30, 31, 32 Luật Đầu tư 2014 thì nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương.
Như vậy, nếu bạn muốn thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam đầu tiên phải xét xem dự án đầu tư có phải xin quyết định chủ trương của Quốc Hội, Chính Phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh không. Nếu thuộc thì đầu tiên, phải thực hiện thủ tục xin quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
b. Thủ tục đăng ký đầu tư
Theo Điều 36 Khoản 1, 2 Luật đầu tư 2014 quy định về trường hợp thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng kí đầu tư là:
“1. Các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này.
2. Các trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:
a) Dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước;
b) Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật này;
c) Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế.”
Như vậy, đối với dự án của nhà đầu tư nước ngoài, dự án của tổ chức kinh tế có số vốn đáp ứng điều kiện tại Điều 23 khoản 1 hoạt động như nhà đầu tư nước ngoài (vốn điều lệ từ 51% trở lên) thì phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong trường hợp của bạn vì bạn muốn thành lập doanh nghiệp 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục đăng kí đầu tư.
– Trình tự cấp giấy giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Điều 37 Luật Đầu tư 2014:
Đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản quyết định chủ trương đầu tư thì cơ quan đăng ký đầu tư  là Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư phải cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư.
Còn với trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư nộp hồ sơ theo Khoản 1 Điều 33 cho cơ quan đăng kí đầu tư và trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan đăng kí đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc từ chối bằng văn bản nêu rõ lý do.
–  Cơ quan có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận đầu tư:
Nếu bạn có nhu cầu thành lập doanh nghiệp trong khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghiệp cao, khu kinh tế thì là Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Nếu các dự án nằm ngoài khu trên thì Sở Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư.
2. Thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp
Sau khi thực hiện thủ tục đăng kí thủ tục đầu tư bạn có nhu cầu thành lập doanh nghiệp thì bạn phải thực hiện thủ tục đăng kí doanh nghiệp tuân theo quy định tại luật doanh nghiệp về đăng ký thành lập doanh nghiệp phụ thuộc vào tỉ lệ vốn điều lệ của bạn với các nhà đầu tư khác. Vì trong câu hỏi của bạn không nêu rõ số vốn dự định của bạn là của riêng bạn hay chung vốn với ai nữa không nên tôi đưa ra các phương án:
+  Nếu doanh nghiệp có vốn điều lệ 100% vốn của nhà đầu tư của chính bạn thì doanh nghiệp được thành lập là “công ty Trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên” do chính bạn là chủ sở hữu, hồ sơ đăng kí doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm giấy đề nghị đăng kí doanh nghiệp, điều lệ công ty, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật đầu tư 2014, bản sao các giấy tờ….(Điều 22 Luật doanh nghiệp 2014).
+ Nếu doanh nghiệp gồm nhà nhà đầu tư là bạn và nhà đầu tư nước ngoài khác, thì doanh nghiệp được thành lập có thể là “công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên”. Theo Luật doanh nghiệp 2014, hồ sơ đăng kí doanh nghiệp bao gồm giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, điều lệ công ty, danh sách cổ đông, danh sach thành viên công ty, …(Điều 21, 22, 23 Luật doanh nghiệp 2014).
• Trình tự đăng ký doanh nghiệp (Điều 27 Luật doanh nghiệp 2014):
Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ tới cơ quan đăng ký kinh doanh là Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân, cơ quan này sau 3 ngày có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho nhà đầu tư hoặc phải thông báo từ chối nếu có căn cứ.
3. Điều kiện về đầu tư vào ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Vì sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi là nghành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại Phụ Lục 4 Luật đầu tư 2015 nên nhà đầu tư muốn đầu tư kinh doanh sản xuất kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng về các tiêu chuẩn do nhà nước quy định để việc kinh doanh, sản xuất đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe của người dân.
a. Điều kiện về cơ sở vật chất của doanh nghiệp
Theo Điều 3 của Văn bản hợp nhất 16/VBHN- BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định 08/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi có nêu điều kiện đối cớ sở sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện: Có Giấy đăng ký kinh doanh về sản xuất thức ăn chăn nuôi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, có địa điểm, bố trí mặt bằng, nhà xưởng; kết cấu nhà xưởng sản xuất … đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định
     Còn đối với cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi thì cũng đảm bảo về địa điểm, phương tiện vận chuyển và dụng cụ kinh doanh thức ăn chăn nuôi theo Điều 4 Văn bản hợp nhất 16/VBHN- BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 08/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi:
“Nơi bày bán và bảo quản hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải thông thoáng, đủ ánh sáng, không ẩm ướt; hạn chế được các ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường để đảm bảo chất lượng thức ăn chăn nuôi.
2. Có thiết bị cân đo chính xác và được định kỳ bảo dưỡng; dụng cụ chứa đựng và dụng cụ đong, xúc hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải bảo đảm vệ sinh, không bị han gỉ hoặc nhiễm mốc.
3. Nơi bày bán, bảo quản và các phương tiện vận chuyển, dụng cụ kinh doanh hàng hóa thức ăn chăn nuôi phải riêng biệt đối với thuốc bảo vệ thực vật và các loại hóa chất độc hại khác”.
Bên cạnh đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất thì sản phẩm chính của doanh nghiệp là thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành tại Việt Nam thì phải đáp ứng các điều kiện về quy chuẩn kỹ thuật theo Điều 5 Văn bản hợp nhất 16/VBHN- BNNPTNT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 08/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi
“a) Thức ăn chăn nuôi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: phải công bố tiêu chuẩn áp dụng và có chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng.
b) Thức ăn chăn nuôi đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia: ngoài đáp ứng các quy định nêu tại điểm a Khoản 2 Điều này, phải hoàn thiện công bố hợp quy theo quy định.
c) Phải có kết quả khảo nghiệm trên vật nuôi:
Đối với thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh: kết quả khảo nghiệm do Hội đồng cấp cơ sở đánh giá (tổ chức, cá nhân tự tiến hành việc khảo nghiệm và đánh giá kết quả khảo nghiệm theo quy trình khảo nghiệm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành);
Đối với thức ăn chăn nuôi mới: kết quả khảo nghiệm do Hội đồng khoa học chuyên ngành được Tổng cục Thủy sản hoặc Cục Chăn nuôi thành lập đánh giá.”
Khi doanh nghiệp đáp ứng điều kiện trên do pháp luật quy định thì sẽ được kinh doanh, sản xuất thì sẽ được sản xuất, kinh doanh mặt hàng thức ăn chăn nuôi mà nhà đầu tư mong muốn.