Tư vấn về chuyển công tác đôi với viên chức

Đề nghị tư vấn:

Tôi đang công tác ở trường THCS A cách nhà tôi 1km. Nay họ chuyển công tác tôi đến trường tiểu học B cách nhà gần 40 km. Trong khi đó theo tôi được biết có những trường gần hơn đang thiếu giáo viên dạy môn tôi. Vậy xin hỏi luật sư họ phân công như vậy có đúng luật không ạ? Tôi nên làm gì để có thể được phân công về gần hơn thuận lợi cho việc công tác hơn.

Trả lời:

Căn cứ pháp lý: Luật Viên chức 2010.

Trước hết, theo thông tin khách hàng cung cấp, có thể xác định khách hàng là giáo viên và được coi là viên chức theo quy định pháp luật.

Trường hợp, nhà trường chỉ cử giáo viên đi nơi khác làm việc có thời hạn:

Việc viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập được cử đi làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định được gọi là biệt phái. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập quyết định việc biệt phái viên chức. Do đó:

– Thời gian biệt phái là có thời hạn: không quá 03 năm;

– Thẩm quyền biệt phái viên chức: người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ( hiệu trưởng đối với trường học) hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập;

– Biệt phái được thực hiện khi có: nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

Rõ ràng, trong trường hợp này, biệt phái giáo viên đến nơi khác làm việc và biệt phái đến đâu là phụ thuộc vào quyết định hiệu trường hoặc cơ quan quản lý dựa trên nhu cầu phân bổ viên chức. Thông thường, nhà trường và viên chức sẽ ký hợp đồng làm việc, quy định rõ nghĩa vụ của viên chức trong đó có chấp hành sự chỉ đạo của nhà trường, thực hiện nhiệm vụ được phân công,…

Trường hợp, giáo viên được chuyển công tác vĩnh viễn đến trường học mới:

Theo quy định pháp luật tại điều 31, Luật viên chức 2010 về điều chuyển công tác thì:

“Khi đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu, viên chức có thể được chuyển sang vị trí việc làm mới nếu có đủ tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của vị trí việc làm đó.

Việc lựa chọn viên chức vào vị trí việc làm còn thiếu do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng, công khai, minh bạch, khách quan và đúng pháp luật”

Do đó, trường hợp có quyền điều chuyển công tác đối với giáo viên và việc điều chuyển đến đâu thuộc thẩm quyền của hiệu trưởng nhà trường hoặc chủ tịch UBND quản lý trường học. Hiện này, vấn đề chuyển công tác giáo viên còn có nhiều bất cập, không chỉ có trường hợp của chị mà rất nhiều giáo viên khác phải điều chuyển công tác đến nơi xa, không thuận tiện cho cuộc sống. Việc điều chuyển đến đâu không phụ thuộc vào ý nguyện của viên chức, mà phụ thuộc vào nhu cầu công việc và quản lý phân bổ viên chức.

=> Tóm lại, dù là biệt phái hay điều chuyển công tác hẳn thì đều thuộc thẩm quyền của nhà trường, nếu việc điều chuyển công tác tuân theo ý nguyện của giáo viên thì việc phân bổ quản lý sẽ rất khó khăn ở những nơi xa xôi, hoặc kinh tế kém phát triển thông thường sẽ không có người muốn làm việc.

Tuy nhiên dựa trên tình hình gia đình, khách hàng nên xem xét kiến nghị và đàm phán với cơ quan công tác, ví dụ như viên chức đang nuôi con dưới 36 tháng, tình hình gia đình đặc biệt khó khăn,… có thể trở thành cơ sở để nhà trường xem xét việc điều chuyển gần hơn. Về nguyên tắc thì việc điều chuyển đến đâu là thẩm quyền của nhà trường và cơ quan quản lý nhà trường.