Nhờ Luật sư tư vấn:
Bố mẹ tôi sinh ra bốn người con, gồm 2 trai và 2 gái. Bố tôi chết năm 2008, mẹ chết năm 2015. Bố mẹ có để lại 1 bìa đỏ 1800m2 (gồm: Nhà ở 300m2, trồng cây lâu năm là 1500m2) và 2 bìa đỏ thuộc đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Trước khi bố mẹ qua đời đã họp gia đình và chia mỗi người con trai một nửa (không có giấy tờ); còn hai chị em gái thì không có và cũng nhất trí không nhận thừa kế. Hiện tôi muốn điều chỉnh tên bìa đỏ từ bố mẹ tôi sang tên của tôi để sau này sẽ làm giấy trao tặng lại một nửa số đất đó cho em trai tôi có được không (Vì khẩu bố mẹ ở cùng tôi, còn em trai tôi không có hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi đang có số đất đó).
1. Trường hợp làm điều chỉnh sang tên, tôi cần những thủ tục gì?
2. Sau này tôi muốn tặng lại cho em trai một nửa (thực tế là trả lại một nửa của em tôi) thì cần làm những gì?
Trả lời:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến NAM PHÁT . Với thắc mắc của bạn,NAM PHÁTxin được đưa ra quan điểm: như sau:
1. Căn cứ pháp lý
+ Bộ luật Dân sự 2005;
+ Luật đất đai 2013;
+ Luật Công chứng 2014;
+ Nghị định 29/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng.
2. Giải quyết vấn đề
Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Di chúc có thể được lập bằng văn bản, nếu không lập được di chúc văn bản thì có thể di chúc miệng. Tuy nhiên di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp nếu thỏa mãn những điều kiện nhất định.
Theo khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2005 quy định trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Như vậy việc lập di chúc miệng phải trong trường hợp thực sự cấp thiết do bị bệnh tật hay các nguyên nhân khác mà không thể lập được di chúc bằng văn bản.
Theo khoản 5 Điều 652 quy định di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực
Như vậy di chúc miệng phải có ít nhất hai người làm chứng, người làm chứng không được thuộc một trong những người sau :
– Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
– Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
– Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Những người làm chứng ngay sau đó phải ghi chép, cùng kí tên hoặc điểm chỉ vào văn bản đó. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng phải đi công chứng, chứng thực di chúc đó.
Căn cứ vào thông tin bạn cung cấp thì di chúc miệng mà bố mẹ bạn để lại chưa thỏa mãn các yêu cầu về tính hợp pháp của di chúc miệng, do vậy di chúc miệng của bố mẹ bạn không hợp pháp. Trong trường hợp này bạn muốn tất cả phần di sản thừa kế do bố mẹ bạn được để lại cho bạn đứng tên thì phải được sự đồng ý của tất cả những người được hưởng di sản thừa kế. Theo đó, tại văn phòng công chứng, những người thừa kế sẽ cùng thỏa thuận để lại di sản thừa kế cho bạn. Sau đó, bạn thực hiện thủ tục sang tên đất cho bạn theo văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng. Sau này, bạn muốn chuyển nhượng lại cho em bạn phần đất thì có thể thực hiện theo các hợp đồng tặng cho, mua bán,…có công chứng hoặc chứng thực tùy thuộc vào từng điều kiện cụ thể.
Hồ sơ và thủ tục yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo quy định của Điều 57 Luật Công chứng 2014 và Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP như sau:
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
+ Giấy chứng tử
+ Giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và những người được hưởng di sản thừa kế
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ về tài sản
+ Giấy tờ chứng minh nhân dân/ hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của những người thừa kế thỏa thuậ phân chia di sản thừa kế
+ Đơn đề nghị yêu cầu công chứng.
Người yêu cầu công chứng nộp hồ sơ yêu cầu đến tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên tiếp nhận hồ sơ về kiểm tra để xác định hồ sơ đầy đủ hay chưa, tính hợp pháp của việc thỏa thuận phân chia di sản, trong trường hợp cho rằng chưa rõ rang trong việc hưởng di sản thì có quyền xác minh hoặc yêu cầu giám định, có quyền từ chối đề yêu cầu công chứng.
Nếu hồ sơ được xác định là hợp lệ và nội dung thỏa thuận phân chia di sản là hợp pháp, có căn cứ, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuậ phân chia di sản Việc niêm yết phải được thực hiện trong 15 ngày tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cùng hoặc nơi cư trú có thời hạn cuối cùng của người để lại di sản. Sau đó công chứng viên tiến hành thủ tục công chứng.
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng là một trong những căn cứ để đăng ký quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất cho những người được hưởng di sản.
Sau khi thực hiện thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, bạn nộp hồ sơ gửi đến Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thủ tục đăng ký tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bạn muốn tặng cho lại quyền sử dụng đất cho em trai bạn, thì cần lập hợp đồng đồng tặng cho có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của Điểm a Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013. Sau đó thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký đất đai.
Hồ sơ gồm:
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/ Hợp đồng tặng cho có công chứng, chứng thực;
+ Giấy tờ chứng minh thông tin cá nhân;
+ Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK.