Trong quy định của Bộ luật dân sự 2015, mọi cá nhân đều có quyền như nhau trong việc hưởng di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi người chết không có di chúc, thì theo pháp luật, những người được hưởng di sản đầu tiên là cha, mẹ, vợ, chồng và các con của họ. Đối với cháu hoặc chắt (nội, ngoại) sẽ là những người được hưởng di sản thừa kế được ưu tiên hàng thứ 2 và thứ 3 khi những người nêu trên không còn ai. Tuy nhiên, những người cháu, chắt (nội, ngoại) này vẫn có thể được hưởng di sản thừa kế ngang hàng với bố, mẹ, vợ, chồng hoặc những người con còn lại của người chết với vai trò là người thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 619, 652 Bộ luật dân sự 2015.
Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào là thừa kế thế vị? Thừa kế thế vị sẽ phát sinh trong những trường hợp nào?Trong bài viết này, QGVN sẽ phân tích rõ hơn về vấn đề này theo quy định mới nhất hiện hành
Thứ nhất, thừa kế thế vị là gì?
Trước hết, cần phải hiểu thừa kế chính là việc tài sản thuộc sở hữu của người chết được giao lại cho những người còn sống qua sự định đoạt của chính họ bằng di chúc hoặc theo quy định của pháp luật.
Lưu ý:
Người còn sống để hưởng di sản thừa kế được xác định:
– Còn sống tại thời điểm người đó chết
– Người thành thai trước khi người đó chết, sau khi sinh ra còn sống.
Như vậy, theo quy định này, có thể xác định người thừa kế của người chết nếu chết trước hoặc cùng lúc với người đó thì về nguyên tắc sẽ mất quyền hưởng di sản, vì họ không còn là “người còn sống”. Tuy nhiên, nếu như người này là con của người để lại di sản thừa kế thì quyền của họ vẫn sẽ được duy trì nếu như vào thời điểm người này chết, họ đang có con hoặc cháu nội, ngoại (nếu con cũng đã chết) bởi lúc này những người con hoặc cháu nội, ngoại đó của họ sẽ thế vị để hưởng phần di sản mà họ đáng lẽ được hưởng nếu còn sống (Theo Điều 619 Bộ luật dân sự 2015).
Từ đó, có thể hiểu, thừa kế thế vị chính là việc phần di sản mà người con chết trước hoặc cùng lúc với bố hoặc mẹ sẽ được hưởng nếu còn sống được chuyển giao cho các con hoặc cháu nội, ngoại (nếu như không có con còn sống) của người con đã chết đó.
Ví dụ:
Ông A có vợ và 2 người con là B và C trong đó B có 2 người con còn sống, C có 1 người con nhưng đã chết để lại một người con trai là D. Do tai nạn xe mà cả A, B và C được xác định là chết cùng thời điểm. Như vậy, trong trường hợp này xác định người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A gồm vợ, 2 người con B và C. Tuy nhiên B và C đã chết cùng thời điểm, do đó những người còn sống được hưởng thừa kế sẽ bao gồm:
– Người vợ của ông A: hàng thừa kế thứ nhất
– Đối với người con B: khi chết có 2 người con còn sống, do đó 2 người con này sẽ thế vị cho B để hưởng phần di sản mà B được hưởng (con thế vị cho bố để hưởng di sản của ông)
– Đối với người con C: do con của C đã chết trước đó, chỉ còn lại người cháu là D, do đó D sẽ thế vị cho C để hưởng phần di sản mà C được hưởng (cháu thế vị cho ông để hưởng di sản của cụ)
Như vậy, trường hợp này 2 người con của B, người cháu nội D của C sẽ đứng ngang với người vợ của A để hưởng di sản mà A để lại
Thứ hai, điều kiện phát sinh trường hợp thừa kế thế vị
Thừa kế thế vị thực chất là mối quan hệ giữa người được thế vị (người con của người chết để lại di sản) và người thế vị (cháu, chắt của người chết để lại di sản thừa kế) đối với tài sản mà của người chết để lại. Do đó, trường hợp thừa kế thế vị sẽ phát sinh khi có các điều kiện sau:
– Người được thế vị phải là người con có đủ điều kiện hưởng thừa kế của người đã chết: Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, con đẻ, con nuôi là một trong nhưng đối tượng được ưu tiên đầu tiên hưởng thừa kế. Tuy nhiên, luật cũng quy định một số trường hợp họ không được quyền hưởng di sản tại Điều 621 Bộ luật dân sự 2015, do đó nếu người con đã chết cùng lúc với bố, mẹ thuộc những trường hợp này thì những người thế vị của họ cũng sẽ không được hưởng di sản thừa kế, cụ thể đó là các trường hợp sau:
+ Ngược đãi, hành hạ, làm người để lại di sản bị chết hoặc tổn hại sức khỏe hoặc xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự đã bị kết án.
+ Không thực hiện việc nuôi dưỡng đối với người để lại di sản đúng với nghĩa vụ mà người con phải thực hiện.
+ Cố ý thực hiện hành vi nhằm giết người thừa kế khác để hưởng di sản.
+ Có những hành vi làm cho người để lại di chúc không lập được di chúc hoặc làm di chúc không đúng ý chí của người để lại di sản nhằm hưởng di sản của họ.
– Người thế vị phải là người đời sau có quan hệ dòng máu trực hệ với người được thế vị (là con đẻ, cháu ruột)
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, con nuôi và cha mẹ nuôi là những người thừa kế hàng đầu của nhau. Tuy nhiên, đối với vấn đề thế vị của những người được người con, con nuôi này nhận nuôi lại chưa có cơ sở pháp lý nào công nhận, con nuôi của con cũng không thể đương nhiên trở thành cháu của cha, mẹ người đó.
– Người được thế vị phải là người chết trước hoặc cùng lúc với người để lại di sản thừa kế: Bởi trường hợp nếu người con này chết sau sẽ đặt ra vấn đề quyền thừa kế của người con này đối với di sản của người chết vẫn được công nhận. Do đó, khi người này chết đi, các con hoặc cháu nội, ngoại của người con này sẽ được thừa kế theo hàng thừa kế chứ không đặt ra vấn đề thế vị. Do vậy, thừa kế thế vị chỉ phát sinh khi người thừa kế của người chết đã chết cùng thời điểm với người để lại di sản. Luật quy định điều này nhằm bảo đảm quyền lợi cho những người có dòng máu trực hệ với người chết.
– Thừa kế thế vị chỉ đặt ra khi hàng thừa kế thứ nhất của người đã chết vẫn còn những người khác: Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, khi người chết để lại di sản thừa kế nhưng không có di chúc thì cha, mẹ, vợ, con của họ sẽ là hàng thừa kế thứ nhất được hưởng. Khi những người này không có ai còn sống thì những người ở hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng. Do vậy, thừa kế thế vị chỉ phát sinh khi ở hàng thừa kế thứ nhất của người chết vẫn đang có người còn sống.
Ví dụ: Ông A chết không để lại di chúc có vợ là H và 2 người con là B, C. B có 2 người con là Q và K, còn C đã chết cùng thời điểm với ông A, chỉ để lại một người con là D. Trong trường hợp này xác định, người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A bao gồm vợ ông A, con trai B, C. Hàng thừa kế thứ hai gồm các cháu của ông A là Q, K và D. Do C chết cùng thời điểm với ông A nên thừa kế thế vị sẽ phát sinh đối với D (con của C), theo đó D hưởng phần di sản thừa kế đáng lẽ C sẽ được hưởng nếu còn sống cùng với người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của ông A (bà H và B).
D sẽ không phải người thừa kế thế vị của C nếu như thời điểm ông A chết người thừa kế thuộc hàng thứ nhất của ông A là bà H và anh B đều đã chết. Thay vào đó, D sẽ cùng Q, K hưởng thừa kế của ông A với vai trò là người thuộc hàng thừa kế thứ 2.